XE MÁY CÓ PHẢI “NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ”?
Tâm lý cũng như nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân mặc định rằng trong các vụ tai nạn giao thông thì “xe lớn phải nhường xe bé”, “xe lớn phải bồi thường xe bé”. Vậy “xe lớn” hay “xe bé” trong nhận thức của họ là gì? Đa phần mọi người đều nghĩ về mặt hình thái, “xe lớn” là xe ô tô và các loại xe khác tương tự, “xe bé” là các loại xe khác còn lại?
Đây chính là việc thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến những thắc mắc, thậm chí tranh cãi gay gắt giữa các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông, khiến cho lực lượng chức năng, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát giao thông gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý vụ tai nạn giao thông cũng như việc giải thích để các bên hiểu, hợp tác, hòa giải… trong các vụ tai nạn giao thông.
Xe máy có phải là “nguồn nguy hiểm cao độ”?
Chúng ta cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra:
Điều 623, Bộ Luật dân sự 2005 quy định về “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Tại điểm 1, Mục III quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623, Bộ Luật dân sự 2005) có quy định cụ thể về xác định nguồn nguy hiểm cao độ:
a) Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật, chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 BLDS xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.
b) Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.
Theo đó, để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008, thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
Như vậy, xe máy cũng là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Mặc nhiên, trong vụ tai nạn giao thông giữa xe thô sơ và xe máy thì xe máy chính là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe máy phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi (Khoản 3, điều 623, Bộ Luật dân sự 2005).
Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, đề nghị người tham gia giao thông hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông và tự mình nâng cao hiểu biết về luật giao thông cũng như các quy định của pháp luật khác có liên quan./.
BBT
Theo Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông
Viết bình luận
Địa chỉ Email của quý khách sẽ được bảo mật.