Khác nhau giữa xe số sàn và số tự động?
Về cơ bản hộp số tự động và hộp số sàn khác nhau ở việc điều khiển hệ thống ly hợp (côn); với hộp số tự động – do hệ thống cơ khí tự động (và điện tử) thực hiện, với hộp số sàn là do người lái phải thao tác. Việc phân biệt cũng khá dễ dàng với vị trí bàn đạp ngắt ly hợp ngay bên cạnh chân phanh (tổng số có ba bàn đạp; côn/phanh/ga), trong khi với hộp số tự động chỉ có chân ga và chân phanh.
Vậy với người sử dụng, hai loại hộp số này có gì khác biệt, cả về tính năng sử dụng cũng như các vấn đề khác như bảo dưỡng, đầu tư…
Hộp số sàn rẻ hơn
Với cùng một mẫu xe, bao giờ các phiên bản sử dụng hộp số tự động đều có chi phí đắt hơn từ 1.000 – 3.000 USD hoặc cao hơn nữa tùy các thương hiệu hoặc số lượng các cấp số. Ví dụ chiếc Toyota Innova E sử dụng hộp số sàn 5 cấp có giá bán 728 triệu đồng nhưng với phiên bản Innova G có cùng trang bị động cơ nhưng giá bán là 767 triệu đồng (tất nhiên có khác biệt một số trang bị nhưng giá trị không lớn).
Hộp số tự động dễ sử dụng hơn
Với việc chỉ có chân ga và chân phanh, các thao tác đối với hộp số tự động ít công đoạn hơn, bạn sẽ không phải lo nghĩ sợ vào sai vị trí số hay sợ chết máy giữa đường. Mọi việc liên quan đến ngắt ly hợp, lựa chọn các cấp số sẽ được hệ thống cơ khí và điện tử điều khiển. Người lái chỉ phải tập trung duy nhất vào việc xử lí tình huống mà không cần lưu ý quá nhiều đến việc lựa chọn cấp số nào cho phù hợp, mức ga bao nhiêu là vừa đủ…
Ví dụ rõ nhất là nếu bạn đi trên đường vào giờ cao điểm, việc sử dụng xe có trang bị hộp số tự động sẽ giúp bạn đỡ mỏi mệt hơn hẳn so với hộp số sàn; loằng ngoằng với côn – phanh – ga rồi tay thì chỉnh lái, tay thì nắm cần số…
Hộp số sàn cho niềm đam mê tốc độ
Xin khẳng định, với những quy định hiện hành tại Việt Nam chẳng bao giờ bạn có cơ hội để thử được tốc độ tối đa của một chiếc xe, dù là dung tích nhỏ hơn 1000cc bởi pháp luật chỉ cho phép tốc độ tối đa là 120km/h (cao tốc Tp Hồ Chí Minh - Trung Lương). Do đó khó có thể biết bạn đạt được tốc độ nhanh bao nhiêu với hộp số sàn hay hộp số tự động.
Tuy nhiên, hộp số sàn đáp ứng hầu như tức thời yêu cầu của bạn về sự thay đổi lực kéo và tốc độ, mang lại cảm giác “bốc” hơn. Trong khi đó, không phải hộp số tự động nào cũng làm được việc đấy kể cả với những hộp số có tính năng đi số sàn (độ “trễ” của việc chuyển số lớn).
Khả năng tiết kiệm nhiên liệu: Như nhau
Cũng như việc thách thức tốc độ, khả năng tiết kiệm nhiên liệu đối với hai loại hộp số này cũng rất khó để phân biệt một cách đúng nhất. Nếu như trước kia, hộp số tự động còn “ăn xăng” hơn so với hộp số sàn thì ngày nay, với công nghệ điện tử hỗ trợ ngày càng nhiều, ranh giới này ngày càng thu hẹp, đó là không kể với kinh nghiệm và thói quen của mỗi tay lái không đồng đều cũng dẫn đến mức độ tiêu hao cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ với mẫu Nissan Sunny, mức tiêu hao nhiên liệu của phiên bản số sàn là 6,4L còn đối với phiên bản hộp số tự động 4 cấp là 6,5L (số liệu báo cáo cục Đăng kiểm Việt Nam). Tuy nhiên, với trọng lượng thường lớn hơn từ 30 – 50kg, chắc chắn hộp số tự động sẽ tốn nhiên liệu hơn một chút so với hộp số sàn trên cùng một mẫu xe.
Hộp số nào an toàn hơn?
Đây là vấn đề nhiều người quan tâm nhất bởi có khá nhiều luồng dư luận trái ngược nhau xung quanh việc hộp số nào an toàn hơn. Tuy nhiên việc an toàn hay không lại không liên quan đến hộp số mà hoàn toàn phụ thuộc vào người lái; đó là việc học lái xe nghiêm túc và tuân thủ luật giao thông đường bộ, điều này không chỉ giúp đảm bảo sự an toàn của bạn mà cho tất mọi người khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, việc phân loại, cấp giấy phép lái xe sử dụng hộp số sàn hay số tự động không phải là ưu tiên hàng đầu bởi việc đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người tham gia giao thông mới là quan trọng. Và chưa kể không gì có thể đảm bảo một người cả đời chỉ sử dụng một loại xe, với một loại hộp số duy nhất.
Theo dantri
Viết bình luận
Địa chỉ Email của quý khách sẽ được bảo mật.