CSGT trưng dụng phương tiện liên lạc, dân làm sao giám sát?

CSGT trưng dụng phương tiện liên lạc, dân làm sao giám sát?

10/03/2017 Admin 0

   CSGT trưng dụng phương tiện liên lạc, dân làm sao giám sát?


Không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức đang làm việc. Ảnh minh họa.

Bộ Công an vừa ban hành thông tư 01/2016 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 15-2.

Đáng lưu ý của thông tư này là CSGT có quyền được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển.

Đồng thời, lực lượng này có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là CSGT có quyền trưng dụng điện thoại, máy chụp hình, quay phim, ghi âm, camera hành trình... của người và xe?

Nhưng nếu như vậy thì ai và phương tiện kỹ thuật nào giám sát được nhiệm vụ của lực lượng CSGT - vốn được xem là “điểm nóng” và nhạy cảm trong lực lượng công an?

Nếu điểm này không được làm rõ, e rằng thông tư 01 trên đã tạo điều kiện cho lực lượng CSGT “lạm quyền” khi làm nhiệm vụ và phòng tránh “rủi ro” cho họ.

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip về hành vi không chuẩn mực của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ, gây bức xúc cho người dân.

Tại sao không minh bạch hóa, công khai công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các phương tiện tham giao giao thông của CSGT?

Nếu như CSGT làm đúng luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông thì có nhất thiết phải “ngại ngùng” trước các phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật của người dân không?

Nếu người tham gia giao thông bị trưng dụng điện thoại di động thì làm sao họ có thể gọi đường dây nóng phản ánh hành vi nhũng nhiễu, thái độ không tôn trọng của CSGT nào đó khi đang làm nhiệm vụ?

Làm sao người dân ghi âm, chụp hình, quay phim những hình ảnh, lời nói “không đẹp” hoặc nhũng nhiễu của CSGT khi làm nhiệm vụ để có chứng cứ phản ánh?

Ngoài ra, quy định này còn gây khó dễ cho người tham gia giao thông như  bị gỡ camera hành trình, trưng dụng điện thoại khiến người dân không thể liên lạc được khi bị giữ xe như gọi taxi, gọi người nhà mang giấy tờ xe…

Trước đó, giữa năm 2013, người dân xôn xao khi Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt ban hành công văn 1042 về việc bất kỳ người nào quay phim, chụp hình CSGT thì buộc phải có sự đồng ý của họ.

Công văn này sau đó bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) “tuýt còi” vì có nhiều dấu hiệu sai phạm, vượt quá thẩm quyền.

Theo Cục kiểm tra văn bản, Công văn 1042 quy định CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo” là không phù hợp với quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh.

Bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định các khu vực an ninh, quốc phòng cần giữ bí mật nhà nước mới có quy định cấm hoặc hạn chế quay phim chụp ảnh,

Theo Cục Kiểm tra văn bản, qua rà soát  chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ.

Đồng thời, việc quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một vài cá nhân cụ thể mà là ghi hình ảnh công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng là bình thường.

Như vậy, rõ ràng pháp luật không cấm người dân sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện kỹ thuật để giám sát lực lượng CSGT.

Nếu hiểu quy định trên là trưng dụng phương tiện liên lạc, thiết bị kỹ thuật của người dân... trong những trường hợp bất khả kháng nhằm phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh và an toàn giao thông nói chung, thì phải nêu rõ các điều kiện đi kèm.

Đặc biệt, quy định này phải hết sức minh bạch để không bị hiểu (hiểu nhầm hoặc hiểu đúng là CSGT có quyền "tước" điện thoại, thiết bị hành trình nhằm "trói tay" họ.

Theo Nhất Phiến

Soha/Trí Thức Trẻ

 

 

Viết bình luận

Địa chỉ Email của quý khách sẽ được bảo mật.